Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minh

Các Trường Đại học Thể dục Thể thao gặp khó về chế độ, chính sách đối với giảng viên

Thứ năm - 28/09/2023 23:08
Tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL và đoàn công tác diễn ra ở Đà Nẵng, các trường đại học thể dục thể thao (TDTT) đều phản ánh những khó khăn, vướng mắc liên quan chế độ, chính sách đối với giảng viên.
Chiều 28/9, tại Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và đoàn công tác có buổi làm việc, khảo sát, đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL.
Nội dung làm việc bao gồm: Khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính, tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất, cơ chế tài chính và hiệu quả hoạt động của các đơn vị; tính đặc thù về tổ chức và hoạt động, định hướng phát triển của đơn vị; đánh giá tác động trong trường hợp sắp xếp, tổ chức lại đơn vị.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đề nghị các đơn vị tập trung thảo luận về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, lãnh đạo các đơn vị đề xuất, kiến nghị để lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét và có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
1 7
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc.
PGS.TS Phan Thanh Hài - Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Đà Nẵng cho biết, trường được định hướng trở thành cơ sở đào tạo đại học, sau đại học có uy tín, chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực TDTT đáp ứng sự nghiệp thể thao nước nhà và nhu cầu thụ hưởng các hoạt động TDTT của toàn xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên có chuyên môn nâng cao, có năng lực nghiên cứu khoa học, làm việc sáng tạo và hiệu quả; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo bắt kịp trình độ giáo dục đại học tiên tiến quốc tế; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh cao…
Cũng theo PGS.TS Phan Thanh Hài, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nhà trường phải mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế khiến nhà trường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng mới và đào tạo giảng viên. Nguồn tuyển sinh của trường càng ngày càng khó khăn, có tính rủi ro cao. Ngoài khó khăn về nhân lực, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đề xuất cần có thêm cơ chế để khuyến khích, nâng cao năng lực, số lượng và chất lượng công tác nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh cho biết, đến năm 2030, đơn vị này sẽ trở thành đại học tự chủ, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện dại, thông minh, chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định trong nước và khu vực. Trường sẽ trở thành trung tâm thu hút đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, địa điểm làm việc của các chuyên gia hàng đầu trong đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu về TDTT, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, vận động viên có hoài bão, tâm huyết muốn đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với viên chức, giảng viên, người lao động còn thấp. Kinh phí đầu tư cho trường ngày càng giảm nên hoạt động bảo dưỡng, duy tu trang thiết bị gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyển sinh một số ngành học cũng gặp khó khăn, nguồn tuyển ít. Các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành có liên quan quy định các mặt hoạt động của trường chồng chéo và chưa đồng bộ.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL tháo gỡ khó khăn về chế độ chính sách đối với giảng viên; kinh phí đầu tư; công tác tuyển sinh và cả việc thực hiện theo các văn bản quy định.
Trong khi đó, TS. Võ Quốc Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TP.HCM kiến nghị: Cơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị, hội trường, sân bãi ký túc xá phục vụ cho học tập, thi đấu hiện xuống cấp và chưa được xây mới.
Ngoài ra, có hai tổ chức trực thuộc Trường Đại học TDTT TP.HCM là Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao; Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ thể thao đang gặp khó khi được giao tự chủ 100%. Trường sẽ xây dựng đề án trình Bộ VHTTDL cho phép hai tổ chức này được thực hiện cơ chế tự chủ một phần.
Năm 2023, Trường Đại học TDTT TP.HCM được Bộ VHTTDL giao 170 chỉ tiêu biên chế viên chức. Tính đến cuối tháng 5/2023, số viên chức toàn trường là 143 người nên chưa bảo đảm vị trí việc làm. Trong năm 2023, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch thi tuyển viên chức nhằm bổ sung những chỉ tiêu còn thiếu. Đội ngũ cán bộ của trường tâm huyết, yêu nghề, nhưng mức thu nhập thấp nên thời gian gần đây có một số cán bộ, giảng viên xin nghỉ và chuyển công tác.
Qua làm việc với các đơn vị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tập hợp các kiến nghị, đề xuất để trình Bộ VHTTDL.
Thứ trưởng cho rằng, những khó khăn, vướng mắc của cả ba trường (Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, Trường Đại học TDTT TP.HCM, Trường Đại học TDTD Bắc Ninh) có nội dung chung; nếu để những khó khăn, vướng mắc này tồn tại lâu dài thì sẽ ảnh hưởng đến chiến lược xây dựng, đào tạo. Những kiến nghị nói trên phải được đề xuất thẳng thắn và giải quyết dứt điểm.
Chương trình khảo sát lần này là cơ sở để đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL, qua đó đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ đến năm 2025 bảo đảm các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ VHTTDL; đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành, thủ trưởng các cơ quan hành chính thuộc Bộ; tham mưu, đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ bảo đảm tính hiệu quả tinh gọn, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực./.

Đ.Hoàng
(bvhttdl.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây