Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minh

Trường đại học tiết lộ cơ hội việc làm của ngành Thể dục Thể thao

Thứ năm - 28/03/2024 23:09
GDVN -Các trường thuộc ngành thể dục thể thao tăng cường triển khai hoạt động trong công tác tuyên truyền, hướng nghiệp phục vụ công tác tuyển sinh.
Trong những năm gần đây, hệ thống các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong cả nước ngày càng phát triển mạnh, đa dạng hơn, song, công tác tuyển sinh, đào tạo các ngành thể thao cũng gặp không ít thách thức
Chính vì vậy, khối trường thể dục thể thao đã có những hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp phục vụ công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo.
Còn nhiều thách thức trong công tác tuyển sinh các ngành thể thao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tạ Hoàng Thiện, Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiêu chí hàng đầu khi đào tạo các ngành thể thao là thí sinh phải có năng khiếu ở một trong các môn thể thao. Tuy nhiên ngành này cũng gặp một số thách thức như thời gian đào tạo kéo dài mà tuổi nghề lại ngắn.
Một số trường địa bàn tuyển sinh chủ yếu là vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn nên xảy ra tình trạng, sau khi trúng tuyển nhập học một thời gian, sinh viên bỏ về vì không đủ điều kiện theo học.
milcruaaz5zhyufe8jk8vxj6 rya5itjknpdxlq7ff7o0l qwuurskwvd0t rhqhppmv4n441ggrminykfdunmneivj5k6mfd8ahep0wrcrupzteymlzlzf z38xwvn3sgk0lz20xds0u7aece0te4 7838
Tiến sĩ Tạ Hoàng Thiện, Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ​​thực trạng một số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm nhưng mức thu nhập chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó tuyển sinh.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Trung, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cho biết, hiện nay nhiều sinh viên có tâm lý hướng tới các trường thuộc nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật và những ngành “hot” nhiều hơn.
Ngành thể thao vốn là một ngành học đặc thù, chính vì vậy, nhiều người vẫn còn quan niệm đây là ngành học chỉ để làm vận động viên, có tuổi nghề ngắn và không thể theo đuổi lâu dài.
Thêm một thách thức nữa là những năm gần đây có sự cạnh tranh giữa các trường khối thể dục thể thao, các trường đại học khác cũng đã mở thêm nhiều mã ngành về lĩnh vực này.
Bàn về nhu cầu nhân lực của ngành này, thầy Trung cho biết, nhu cầu nhân lực về cán bộ thể dục thể thao hiện nay là một vấn đề cấp thiết, đội ngũ này này trong các đơn vị, cơ quan nhà nước tăng lên không đáng kể dù nhu cầu rất lớn.
Theo thầy Thiện, các ngành Huấn luyện thể thao, Quản lý thể thao, Y sinh học thể thao và Giáo dục thể chất luôn có nhu cầu tuyển dụng. Về định hướng đào tạo, nhà trường luôn hướng đến các chương trình đào tạo chất lượng cao để có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng và tiêu chuẩn của vị trí việc làm.
Do vậy, nhà trường đang đẩy nhanh công tác cải tiến, cập nhật các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của từng ngành theo hướng thực tế nghề nghiệp của người học. Sinh viên sẽ vừa được học và vừa tác nghiệp, thực tập thực tế theo từng vị trí việc làm thì trình độ, năng lực sẽ được nâng cao.
Chất lượng đào tạo được nâng cao sẽ giúp giảm áp lực trong tuyển sinh khi cạnh tranh với các cơ sở cùng đào tạo các nhóm nghề thuộc lĩnh vực thể dục thể thao.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm ở nhiều vị trí, đơn vị khác nhau
Nói về nhu cầu việc làm của các ngành thuộc lĩnh vực thể dục, thể thao, Tiến sĩ Tạ Hoàng Thiện cho biết, hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp thường công tác tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; các trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao; các câu lạc bộ thể dục thể thao, các công ty kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, các khu resort….
Sinh viên thể thao ra trường thường làm việc ở các cơ sở có liên quan đến lĩnh vực thể dục, thể thao, cụ thể: làm huấn luyện viên; giảng viên ở các trường cao đẳng, trường đại học, học viện; viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập; làm công chức ở các đơn vị quản lý nhà nước; làm cán bộ y học thể dục thể thao cho các đội tuyển thể thao các cấp… Sinh viên ra trường công tác ở vị trí nghề nghiệp này thì cơ hội phát triển nghề nghiệp của rất nhanh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, hằng năm nhà trường đều tiến hành thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Qua việc khảo sát cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm tới 95%, trong đó sinh viên làm việc đúng chuyên môn đào tạo lên tới 85% và làm việc tập trung chủ yếu ở các vị trí: giảng dạy tại trường phổ thông các cấp, các trường cao đẳng, đại học và trung cấp chuyên nghiệp, làm tại các Sở Văn hóa-Thể thao, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm và Câu lạc bộ Thể hình, trung tâm Phục hồi chức năng và Chăm sóc sức khỏe, Yoga, GYM, Boxing, công ty tổ chức sự kiện...
Về cơ hội phát triển của sinh viên nhà trường được đánh giá là trường luôn nằm trong “top” các trường đại học có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và việc làm đúng chuyên ngành cao nhất.
Còn theo Tiến sĩ Trần Trung, cơ hội phát triển nghề nghiệp đối với sinh viên thuộc khối ngành này đang tiếp tục mở rộng, bao gồm các vị trí như các nhà khoa học thể thao, huấn luyện viên/chuyên gia phát triển, chuyên gia dinh dưỡng, sức khỏe và cân bằng trong các cơ quan nhà nước cũng như các lĩnh vực y tế và sức khỏe của các doanh nghiệp, công ty và phòng khám tư nhân….
lggnp2rbbty9yi ngnfdqcqpwhujmt9nbppen9g2xixsxl1mclgptz1u9z0adm6dsrwc2yumla8zxxlgu9qwa5ko1eolmwlmqfgusdjsnjqc bqap10oesoxdwqejaudzdgi4owgup1iootqcgm7k2i 200
Sinh viên Khoa Y Sinh học thể dục thể thao tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Ảnh: Website nhà trường.
Sinh viên tốt nghiệp các ngành thể dục thể thao có thể giảng dạy giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục; Huấn luyện viên thể thao; Người điều phối các sự kiện thể thao…
Tại Việt Nam, nhiều trung tâm thể dục thể hình trong và ngoài nước hiện hoạt động rất hiệu quả và chuyên nghiệp. Làm quản lý hay nhân viên huấn luyện cho các trung tâm các học viện thể thao, các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và nghiệp dư và câu lạc bộ thể dục cũng là một phương án việc làm tốt.
Nâng cao chương trình đào tạo để thu hút sinh viên
Cùng bàn về những giải pháp để thu hút trong tuyển sinh các ngành thể dục thể thao, thầy Thiện chia sẻ, năm 2024, Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về trường trên website, các trang mạng xã hội; đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc các sự kiện do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao.
Bên cạnh đó, trường cũng gửi các văn bản đến các tỉnh, các đơn vị có liên quan giới thiệu các ngành đào tạo nguồn nhân lực thể dục, thể thao; cải thiện toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; tăng cường chất lượng và số lượng nhân sự giảng dạy; phát triển các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các ngành theo hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhu cầu của các nhà tuyển dụng; triển khai giảng dạy trực tuyến kết hợp với trực tiếp dành cho các đối tượng là sinh viên mà đang là vận động viên ở các đội tuyển tỉnh, thành phố, của ngành theo quy định.
Trường cũng có chính sách miễn giảm học phí theo từng học kỳ, xét học bổng cho sinh viên theo từng học kỳ, giới thiệu các học bổng khác bên ngoài trường cho sinh viên; giới thiệu sinh viên đang học tham gia làm thêm ở các hồ bơi, phòng gym, các câu lạc bộ thể thao...cùng ngành chuyên sâu mà các em đang theo học.
Còn theo thầy Trung, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đã có những hoạt động tư vấn tuyển sinh, nhà trường đã có những hoạt động quảng bá về các ngành thể dục thể thao trên phương tiện truyền thông để thí sinh, gia đình và xã hội có thể tiếp cận nhằm hiểu được những công việc sau khi tốt nghiệp ra trường, điều này cũng giúp sinh viên có định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, thầy Toàn cho biết, đối với sinh viên học ngành Giáo dục Thể chất trình độ đại học; Giáo dục quốc phòng An ninh trình độ đại học sẽ được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí hàng tháng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm…
Ngoài ra tất cả các sinh viên đều được nhà trường thực hiện các chế độ chính sách, ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người học. Cùng với đó, nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đào tạo cho sinh viên nước ngoài, tiến tới thu hút đào tạo cho các nước khu vực Đông Nam Á như Campuchia.
Chính các hoạt động này đã tạo hiệu ứng rất tốt đối với việc thu hút thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường.
Đề xuất những giải pháp để giúp các trường thu hút tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành thể dục thể thao, thầy Thiện chia sẻ, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, cần xây dựng chiến lược tiếp thị thể thao trong công tác tuyển sinh ở các bậc đào tạo; đa dạng hóa các hoạt động tuyển sinh; xúc tiến quảng bá thương hiệu của tập thể, cá nhân thuộc trường quản lý một cách mạnh mẽ.
Cải tiến, phát triển chương trình đào tạo các ngành ở bậc cử nhân. Xây dựng chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp cho từng ngành đào tạo bậc cử nhân đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các chương trình đào tạo ở các ngành, các bậc học đều được kiểm định chất lượng giáo dục.
Mở rộng các ngành đào tạo đại học theo nhu cầu xã hội: Kinh tế thể thao; Thể thao giải trí; Thể thao du lịch; Truyền thông thể thao; Công nghiệp thể thao...tập trung mở các ngành mà xã hội có nhu cầu nguồn nhân lực.
Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tốt cho đổi mới phương pháp dạy và học. Xây dựng mạng lưới thông tin, thư viện và thư viện điện tử; 100% phòng học có mạng wifi vừa tổ chức dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trung chia sẻ, để các trường thu hút tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành thể dục thể thao cần đổi mới giáo dục theo nhu cầu thực tiễn xã hội hiện nay.
Trong đó, giải pháp đầu tiên phải kể đến đó là nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tập trung vào đổi mới chương trình đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.
Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện để đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện các môn học lý thuyết, các môn học thực hành. Đẩy mạnh xã hội hóa và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, để thu hút tuyển sinh, yếu tố đầu tiên không chỉ riêng đối với ngành thể dục thể thao mà là tất cả các ngành nghề đó là phải nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với ngành sư phạm thể dục thể thao do là ngành có yếu tố đặc thù hơn, qua kinh nghiệm thực tế nhà trường tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo đạt chuẩn, gắn kết với thực tiễn, liên tục được cập nhật, kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tiễn theo những chuẩn mực của đào tạo hiện đại.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ, giảng viên. Hiện trường đang thực hiện nhiều chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Thứ ba, tạo môi trường học tập truyền cảm hứng: Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội có lợi thế có không gian rộng trên 14ha, có đầy đủ hệ thống phòng học đa phương tiện, phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại, cơ sở lưu trú đầy đủ tiện ích, nhà thi đấu đa năng, các sân thể thao chuyên biệt đạt chuẩn quốc gia, quốc tế (sân bóng, điền kinh, tennis, cầu lông...). Khuôn viên của trường được vận hành trên tinh thần phục vụ “lấy người học làm trung tâm”, vừa truyền cảm hứng vừa tạo môi trường học tập, nghiên cứu và sinh sống thân thiện, an toàn, thông minh cho sinh viên…
Bên cạnh đó nhà trường tạo các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho sinh viên như: thành lập các câu lạc bộ tình nguyện; câu lạc bộ Đọc sách, câu lạc bộ Võ thuật, câu lạc bộ Nghệ thuật...
Các câu lạc bộ thường xuyên phát động nhiều phong trào mang ý nghĩa. Ngoài ra, trường còn đồng hành và bảo trợ cho các hoạt động cộng đồng và xã hội như: tiếp sức mùa thi, hiến máu, thường niên tổ chức giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo…
Đặc biệt các hoạt động Đoàn - Hội, gắn với học tập và nghiên cứu như: tham gia các giải thi đấu thể dục thể thao trong nước và quốc tế, các giải truyền thống, nghiệp vụ sư phạm… góp phần tạo ra môi trường lành mạnh cho sinh viên được tiếp xúc, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng sống cũng như kỹ năng mềm, tạo bước đệm tốt cho sự phát triển của mình trong tương lai.
Thứ tư, xây dựng các chính sách học bổng, chính sách hỗ trợ người học trong quá trình học tập tại trường.
Thứ năm, chính sách thu hút người học như tổ chức các hoạt động hướng nghiệp: Liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, nhà trường tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên. Tạo kênh giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Thu Trang
(nguồn: giaoduc.net.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây