Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minhhttps://ush.edu.vn/uploads/logo-dh.png
Thứ năm - 15/06/2023 10:57
Sáng ngày 15/06/2023, Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Trường cho Nghiên cứu sinh Phạm Chính Trực.
Với đề tài luận án “Xây dựng chương trình Võ thuật ứng dụng Công an nhân dân tại Trường Đại học An ninh nhân dân”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Đặng Hà Việt và PGS. Nguyễn Trần Hiếu.
Hội đồng đánh giá luận án Luận án Tiến sĩ cấp trường cho Nghiên cứu sinh Phạm Chính Trực gồm: GS. TS Lê Quý Phượng- Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS Trần Tuấn Hiếu, Phản biện 1; TS. Nguyễn Thanh Bình, Phản biện 2; TS. Phan Quốc Chiến, Phản biện 3; TS. Thiều Thân Thế, Ủy viên HĐ; TS. Nguyễn Đăng Khánh, Ủy viên HD và PGS. TS Lưu Thiên Sương, Thư ký Hội đồng.
Sau khi nghe NCS. Phạm Chính Trực trình bày tóm tắt kết quả luận án, nhận xét của các phản biện. Luận án Tiến sĩ NCS Phạm Chính Trực được Hội động bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Trường đánh giá như sau:
- Luận án là một công trình nghiên cứu độc lập, kết quả nghiên cứu đã giải quyết được các nhiệm vụ chính của đề tài
- Luận án đã đánh giá được thực trạng chương trình giảng dạy Võ thuật Công an nhân dân (CAND) trên các mặt: Xác định các tiêu chí đánh giá thực trạng chương trình giảng dạy Võ thuật cho học viên Trường Đại học An ninh nhân dân (ĐH ANND); Xác định test đánh giá trình độ thể lực và kỹ thuật cho học viên Trường ĐH ANND học chương trình Võ thuật ứng dụng CAND; Thực trạng chương trình giảng dạy Võ thuật cho học viên Trường ĐH ANND; Thực trạng các điều kiện đảm bảo để chương trình đạt hiệu quả; Thực trạng thể lực của nam học viên Trường ĐH ANND; Phân loại thể lực nam học viên Trường ĐH ANND; Kết quả học tập Giáo dục thể chất cuối năm.
- Luận án đã xây dựng được chương trình Võ thuật ứng dụng CAND với thời lượng 150 tiết tương đương 5 tín chỉ chia làm 2 học phần. Mỗi học phần 75 tiết, tương đương 2.5 tín chỉ với 4 tiết lý thuyết, 68 tiết thực hành, 3 tiết kiểm tra và 45 tiết tự học. Chương trình đảm bảo được chuẩn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, phù hợp với đặc điểm đối tượng về nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá.
- Luận án đã thực nghiệm chương trình mới cho học viên Trường ĐH ANND đã thu được các kết quả khả quan, chứng minh được tính ưu việt của chương trình mới. Kết quả cho thấy: Đánh giá về hiệu quả chương trình mới: Có 100% ý kiến cán bộ, giảng viên và 100% ý kiến học viên đánh giá ở mức từ bình thường đến rất hiệu quả. Có đến 90% ý kiến học viên cho rằng hứng thú và rất hứng thú với chương trình môn học, chỉ có 10% ý kiến cho rằng bình thường. So với chương trình cũ thì mức độ hứng thú và rất hứng thú chỉ chiếm 29.75% và có đến 70.25% đánh giá ở mức bình thường và không hứng thú. Khi hỏi về mức độ hài lòng của học viên về việc phân bổ thời gian học chương trình Võ thuật, đa phần học viên đều đánh giá ở mức hài lòng và rất hài lòng chiếm tỉ lệ 90.20%, chỉ có 7.8% đánh giá ở mức bình thường; Đánh giá về thể lực và kỹ thuật: Sau khi TN ở nhóm TN đã có sự tăng truởng tương đối nhiều, nhịp độ tăng trưởng đạt từ 3.84% đến 13.56%. Sự thay đổi này đảm bảo độ tin cậy ở ngưỡng xác suất tất cả P < 0.05. Điều này chứng tỏ chương trình nghiên cứu khi ứng dụng vào thực tiễn bước đầu đã đạt được hiệu quả; Về kết quả học tập đã có sự thay đổi đáng kể, ở nhóm TN không có học viên nào đạt loại yếu, đồng thời tỉ lệ học viên đạt loại giỏi và xuất sắc cũng tăng cao.
- Chương trình Võ thuật ứng dụng CAND đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu về một chương trình môn học, đáp ứng được nhu cầu học tập và rèn luyện võ thuật ứng dụng cho học viên Chuyên ngành An ninh và nội dung học tập gắng liền với thực tế công tác đặc thù của các chiến sĩ CAND.
Hội đồng đã thảo luận và thống nhất: Hình thức và Nội dung của Luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một Luận án tiến sĩ, chuyên ngành: Giáo dục học, mã số 9140101 với số phiếu tán thành là 07/07. Đây là công trình nghiên cứu có tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng - GS.TS. Lê Quý Phượng đã công bố bản Quyết nghị của Hội đồng, theo đó đã nêu rõ được những kết quả chính, những đóng góp mới của Luận án cho khoa học và thực tiễn, đồng thời cũng chỉ rõ những thiếu sót về nội dung, hình thức của Luận án để NCS tiếp thu, khắc phục. Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ luận án của NCS Phạm Chính Trực