Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minhhttps://ush.edu.vn/uploads/logo-dh.png
Thứ ba - 01/08/2023 05:51
Ngày 1/8, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Toạ đàm góp ý dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Toạ đàm. Luật Giáo dục năm 2019 quy định một trong những nội dung quản lý nhà nước về giáo dục là “ban hành chuẩn cơ sở giáo dục”. Luật cũng quy định Bộ GDĐT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nướ về giáo dục đại học có trách nhiệm Quy định chuẩn giáo dục đại học. Khác với chuẩn kiểm định chất lượng Báo cáo về định hướng, mục đích, nguyên tắc xây dựng chuẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáó dục Đại học, Bộ GDĐT Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết: Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học làm cơ sở để tẩm định và giám sát điều kiện hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin về năng lực, kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng dựa trên 7 nguyên tắc: Duy nhất, phù hợp với các cơ sở giáo dục đại học; tập trung chính vào các yếu tố đầu vào, trạng thái hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; phù hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế; khả thi, không quá phức tạp; có tính kế thừa, không mâu thuẫn với các quy định hiện hành; lấy lợi ích người học là trung tâm. Làm rõ sự khác nhau giữa chuẩn cơ sở giáo dục đại học với chuẩn kiểm định, bà Thuỷ cho hay: Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đảm bảo tính thống nhất của quốc gia trong việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động giáo dục đại học; trong khi đó chuẩn kiểm định không đánh giá được các cơ sở giáo dục đại học theo một thước đo chung hay những yêu cầu chung tối thiểu mà tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng khi thực hiện các hoạt động. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các kết quả hoạt động chính hằng năm của cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; còn chuẩn kiểm định sử dụng để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá và cải tiến chất lượng theo sứ mạng, mục tiêu đã công bố; để các tổ chức kiểm định đánh giá, xem xét công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ khoảng 5 năm một lần
Theo bà Thuỷ, thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên. Đối với cơ sở giáo dục đại học là xây dựng chiến lược, kế hoạch để duy trì, cải tiến các chỉ số hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực từ các bên liên quan và đảm bảo sự phát triển bền vững cho cơ sở giáo dục đại học. Đối với người học có khả năng xác định, lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học tốt, phù hợp hơn với các chương trình đào tạo có thể chuẩn bị tốt nhất cho họ để tham gia thị trường lao động. Doanh nghiệp có thông tin về các cơ sở giáo dục đạo học mà họ cần quan tâm để giúp tăng cường hợp tác và tìm kiếm đối tác, thực hiện tuyển dụng. Nhà nghiên cứu có công cụ phương pháp luận giúp thực hiện các nghiên cứu, so sánh quốc tế và đối sánh,... về các vấn đề của giáo dục đại học. Với các nhà hoạch định chính sách sẽ hoạch định chính sách hiệu quả từ thông tin, dữ liệu của các cơ sở giáo dục đại học. Thay mặt tổ chuyên gia, GS.TS Vũ Văn Yêm - Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những trao đổi xung quanh việc xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, mục đích của Chuẩn nhằm định hướng phát triển cho cơ sở giáo dục đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị. Giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình, đảm bảo quyền lợi của người học và các bên liên quan.
Nội dung Chuẩn gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí và 29 chỉ số chính. Trong đó, tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị có 4 tiêu chí; tiêu chuẩn về giảng viên gồm 4 tiêu chí; tiêu chuẩn điều kiện học tập 5 tiêu chí; tiêu chuẩn tài chính 4 tiêu chí; tiêu chuẩn tuyển sinh và đào tạo 5 tiêu chí; tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí. Theo thông tin của tổ chuyên gia, ngưỡng đạt chuẩn dựa trên số liệu khảo sát của 142 cơ sở giáo dục đại học, 24 cở sở giáo dục đại học tư thục và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cơ sở để thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học Tại Toạ đàm, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã thảo luận, nêu các ý kiến xung quanh các tiêu chuẩn, tiêu chí. Một số tiêu chuẩn, tiêu chí còn ý kiến khác nhau là diện tích đất, tỉ lệ giảng viên, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Theo ông Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoà Bình, dự thảo Thông tư này ra đời cần đi kèm với quy hoạch Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có quỹ đất cho các cơ sở giáo dục đại học; các trường nhìn thấy quỹ đất để có kịch bản đầu tư, mở rộng thì độ tin cậy của dự thảo Thông tư sẽ tốt hơn nữa. Ngoài ra, Bộ cũng nên xem xét có lộ trình áp dụng từng nấc thang của tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích đất.
Cho rằng, dự thảo Thông tư đã tính đến diện tích đất cho các cơ sở trong nội thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên đại diện Trường Đại học Hà Nội vẫn mong dự thảo Thông tư sẽ tính đến đặc thù, vì dụ nếu cơ sở chưa đủ diện tích theo quy định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho đến khi đáp ứng được. Đánh giá cao nỗ lực của ban biên soạn bởi đây là Thông tư khó, đại diện Trường Đại học Y dược, Đại học Huế nhận định, tiêu chuẩn 3 điều kiện học tập là rất quan trọng, đồng thời đề nghị bổ sung tiêu chí về cơ sở thực hành phù hợp, nhất là với các trường đặc thù như y dược cần có bệnh viện thực hành. Liên quan đến tiêu chí tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và tiêu chuẩn nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, các ý kiến hầu hết tập trung vào việc cần cơ chế đặc thù trong từng khối, lĩnh vực khi đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí này. Trong đó, cả 2 đại diện khối ngành quân đội, công an là Học viện Hậu Cần và Học viện An ninh nhân dân đều đề nghị có cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc 2 khối này. Đại diện tổ chuyên môn trao đổi ý kiến từ đại diện các cơ sở giáo dục đại học, TS Lê Đông Phương chia sẻ: Diện tích đất là băn khoăn mấy chục năm nay nhưng khi giáo dục đại học đang hiện đại hoá thì tiêu chuẩn về diện tích là không tránh khỏi. Không thể nào từ bỏ tiêu chuẩn, tiêu chí này.
“Hà Nội hiện tại gần 600 nghìn sinh viên đại học, nếu cứ giữ khư khư diện tích ở trong nội đô sẽ không thể “thở”, các trường mạnh dạn với tiêu chuẩn này để mở rộng ra ngoài nội đô”, TS Lê Đông Phương nói. Từ góc độ ban soạn thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến; đồng thời bày tỏ quan điểm: Dự thảo Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học cho thấy sự kỳ vọng, khát vọng, phấn đấu đến những gì chất lượng, vì con em chúng ta. Vấn đề quy hoạch đại học mặc dù khó nhưng là vì đất nước, vì lâu dài. “Bước hành động về quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học” Phát biểu tại Toạ đàm, đồng thời cũng là những trao đổi vừa giải đáp, vừa chia sẻ với các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: mỗi cơ sở giáo dục đại học đang nhìn các tiêu chuẩn, tiêu chí từ cơ sở mình, nhưng cần góc nhìn rộng hơn cho cả hệ thống. “Làm sao để quy hoạch, sắp xếp hệ thống tốt hơn, trật tự, bài bản, khang trang hơn. Để làm được phải đưa ra tối thiểu để hệ thống cố gắng, cùng sự vào cuộc của các bên liên quan: Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư… Các trường nhìn tầm nhìn rộng như vậy, đóng góp ý nghĩa hơn, không phải nhìn có đáp ứng không, tuyển sinh thế nào”, Thứ trưởng nói.
Từ góc độ chế tài và tác động khi ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng cho biết: Bộ đưa ra chuẩn không phải để xử phạt mà quan trọng là các trường nhìn vào để phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học; người học nhìn vào phải biết sức khoẻ của trường thế nào. Việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh. “Dự kiến tháng 6/2025 đưa ra lần đầu tiên, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ có tác động lớn. Tỷ lệ khác nhau ở mỗi trường về từng tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ dẫn đến những tác động khác nhau. Đây là công cụ quan trọng quản trị trong từng trường học và toàn hệ thống”, Thứ trưởng nêu rõ. Nhận định các ý kiến trao đổi tại Toạ đàm đã thống nhất với các tiêu chuẩn, tiêu chí, một số đề xuất chủ yếu về đặc thù lĩnh vực, khối, Thứ trưởng cho biết: Ban soạn thảo sẽ xem xét tiếp thu để đưa vào hệ số cho phù hợp, đảm bảo tính khả để thực hiện mục tiêu quy hoạch hệ thống và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. “Xây dựng chuẩn là bước hành động để từng bước đổi mới quản lý nhà nước với mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng cũng chia sẻ: Cố gắng làm kỹ nhất có thể nhưng phải triển khai thực tế mới có thể tiếp tục điều chỉnh.
Trung tâm Truyền thông và Sự kiện
Cổng thông tin Bộ Giáo dục & Đào tạo