Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minh

Lãnh đạo các Bộ, ngành đánh giá cao những kết quả ngành VHTTDL đạt được trong nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII

Thứ ba - 22/08/2023 01:46
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, những dấu ấn mà toàn ngành VHTTDL đạt được trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện tâm huyết, quyết tâm và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, chấn hưng nền văn hoá đất nước.
1 3
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm chủ trì buổi làm việc
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà cũng ghi nhận, nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhận định, đánh giá những chuyển biến về xây dựng và phát triển văn hoá, con người, từ những quan điểm mới về văn hoá đã đặt ra trong Nghị quyết. Toàn ngành với quyết tâm cao, quyết liệt vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, cơ quan của Quốc hội đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ VHTTDL trong nửa nhiệm kỳ qua, với phương châm “Quyết liệt hành động. Khát vọng cống hiến”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Nguồn lực đầu tư cho văn hoá đã tăng lên rõ rệt”
Trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phát huy và thể hiện rõ vai trò của văn hoá trong sự phát triển của đất nước. Bộ KH&ĐT luôn đồng hành cùng Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan để lồng ghép, đưa những quan điểm, tư tưởng về văn hoá , con người, đất nước vào trong những tham mưu về chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước; đặc biệt trong các chiến lược  phát triển.
Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021- 2030 có chủ đề Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại… nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, trong đó có vai trò quan trọng của văn hoá. Văn kiện Đại hội Đảng cũng đưa ra những quan điểm, mục tiêu, giải pháp về phát triển văn hoá, con người rất rõ nét. Qua quá trình triển khai thực hiện, báo cáo tổng kết công tác nửa nhiệm kỳ của Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL cùng những phát biểu tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định nhiều điểm sáng trong sự phát triển của ngành, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Với những thành tựu đó, tôi cho rằng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước nhất quán quan điểm trong thời gian tới.
2 6
Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc
Dù nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế nhưng nguồn lực đầu tư cho văn hoá  thời gian qua đã được tăng lên đáng kể. Đặc biệt, vốn ngân sách bổ sung đầu tư cho một số công trình văn hoá theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 đã được Bộ KH& ĐT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó, các địa phương có nguồn lực thực hiện các chương trình bảo tồn, phát huy các giá trị bền vững của văn hoá;  các cơ quan TƯ cũng có thêm những nguồn lực quan trọng để phát triển lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trên thực tế số vốn này vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, trong chương trình phát triển, chấn hưng văn hoá, cần đề cập tổng thể vấn đề nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong đó, phân rõ nguồn lực nào từ ngân sách TƯ, nguồn lực nào thực hiện theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá; nguồn lực  nào từ xã hội hoá…
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá mà Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng, Bộ KH &ĐT đã góp ý kiến và sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, để chương trình khi tổ chức triển khai khắc phục được những bất cập trước đây, cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong từng giai đoạn. Từ đó, nguồn lực của Chương trình mục tiêu và phân bổ ngân sách Nhà nước  cho văn hoá sẽ cộng hưởng với nguồn lực từ các Bộ, ngành, địa phương, tạo động lực cho sự phát triển. Đây là bài toán quan trọng mà hai Bộ sẽ cùng đồng hành để triển khai thực hiện.
Mặt khác, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá trong giai đoạn mới cũng cần những cơ chế, chính sách đặc thù của ngành mà trước đây chưa có các quy định. Bộ VHTTDL cần có một tổng kết, đánh giá để đề xuất các cơ chế chính sách, đặc biệt những cơ chế chính sách thí điểm để Chương trình khả thi, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có những ý kiến rất tâm huyết, đề xuất những việc cần làm để văn hoá thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật để xem xét sửa đổi phù hợp, khắc phục những bất cập, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: “Chống những biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong đời sống văn hóa xã hội trên không gian mạng…”
Báo cáo và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới của ngành Văn hoá nên có thêm thống kê, đánh giá về chấn hưng, phát triển văn hóa cũng như  đấu tranh chống biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn trong đời sống văn hóa xã hội trên không gian mạng. Trong bối cảnh hiện nay, không gian mạng là nơi diễn ra tất cả hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Những biểu hiện lệch lạc trên không gian mạng ảnh hưởng rất lớn đến các chuẩn mực văn hoá trong đời sống xã hội, lây lan với tốc độ nhanh nên cần có những giải pháp triệt để, trên cơ sở Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan để có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
3 5
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Bộ TT&TT tin tưởng rằng công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành trong thế giới thực thế nào thì cũng sẽ được quản lý trên không gian mạng như vậy. Trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 cũng nêu vấn đề về phát triển văn hoá số. Đây là định hướng quan trọng trong phát triển văn hóa, với những biểu hiện đa dạng của đời sống văn hóa trên không gian mạng, nền tảng số. Rất cần có những nguồn lực hợp lý từ Nhà nước, với các chính sách và những nguồn lực khác để thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh đó, rất cần lồng ghép các hoạt động chấn hưng, phát triển văn hoá với bảo vệ, phát huy quyền con người. Triển khai nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đất nước xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cần có cách tiếp cận, quán triệt trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách pháp luật về văn hoá, con người, phù hợp với quốc tế.
Văn hóa các dân tộc là chủ đề có thể khai thác để tôn vinh, quảng bá Việt Nam ra thế giới nhưng cũng dễ bị lợi dụng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng an ninh trật tự, thậm chí là an ninh quốc gia. Vì vậy, cần đặt phát triển văn hóa trong tổng thể nhằm giải quyết nhiều vấn đề về chính trị, an ninh, quốc phòng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng: "Ngành VHTTDL đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện các Chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển văn hóa"
Nửa nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của Covid 19, toàn ngành VHTTDL đã nỗ lực, đạt nhiều kết quả trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển văn hóa. Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của Bộ có nhiều đổi mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tăng cường xây dựng chính sách, pháp luật, chú trọng khắc phục tồn tại, hạn chế.
Nổi bật là Bộ đã thực hiện nhiệm vụ tốt nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đánh giá một số luật chuẩn bị cho sửa đổi, bổ sung theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án quan trọng phát triển văn hóa năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030.
Bộ VHTTDL đã có vai trò quan trọng trong tham mưu, phối hợp tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, điển hình như Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam, Hội thảo Văn hóa 2022, Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới… Các sự kiện này đã giúp sự nghiệp phát triển văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng; thể dục thể thao quần chúng được quan tâm; hoạt động du lịch từng bước phục hồi, có bước chuyển mạnh mẽ... Ngân sách đầu tư cho phát triển văn hóa ở một số địa phương tăng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành văn hóa được quan tâm…
Tuy nhiên, còn một số vấn đề tồn tại như thể chế văn hóa chưa theo kịp với yêu cầu phát triển; việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy phạm pháp luật chưa đi vào cuộc sống; hệ thống chính sách về văn hóa chưa thực sự có tính đặc thù, chưa đầy đủ, nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Còn không ít tồn tại, hạn chế về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nguồn lực, cơ sở vật chất…cũng là điểm nghẽn, ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển của ngành.
4 5
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng
Trong thời gian tới, để văn hóa phát triển đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm vai trò kiến tạo, phát triển của Nhà nước. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, tham mưu, triển khai hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa theo kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, đặc biệt là giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng văn hóa trong chính trị; xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ; tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, con người.
Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về văn hóa,  hai năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc... Qua đó, đánh giá các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các bộ, ngành trung ương, địa phương đã thực sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa. Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất cao hơn giữa nhận thức và hành động.
Chỉ đạo, tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, trong đó chú trọng xây dựng các văn bản đối với những lĩnh vực chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa dân tộc, văn hóa quần chúng, tuyên truyền cổ động, văn học); đề xuất cơ chế, chính sách tăng ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu đãi đầu tư, thí điểm hợp tác công tư, thuế, tín dụng, đất đai…cho phát triển văn hóa.
Chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng thiếu, không đồng bộ, xuống cấp, sử dụng chưa hiệu quả các thiết chế này. Chú trọng công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển VHTTDL.
Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, các cơ quan của Quốc hội, nhất là trong việc chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến 2045; tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2021”.
Qua khảo sát thực tế cho thấy các tỉnh/thành phố, các cơ quan, đơn vị, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa… rất quan tâm, kỳ vọng về việc có chương trình Mục tiêu quốc gia xứng tầm, có vai trò chấn hưng, phát triển văn hóa như mong đợi. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, hồ sơ  theo quy trình, thủ tục, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Phó Trưởng Ban Dân Vận Trung ương Triệu Tài Vinh: “Phát huy những điểm sáng về công nghiệp văn hoá, kinh tế thể thao”

Tôi đồng tình cao với báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày.  Nửa nhiệm kỳ qua, ngành đã tập trung vào công tác thể chế pháp luật, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, Thông tư và các chương trình, kế hoạch, dự án. Trong quá trình này, Bộ VHTTDL đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt ở các nội dung về phê duyệt quy hoạch, bảo tồn di sản văn hoá,  xây dựng môi trường văn hoá…
5 3
Phó Trưởng Ban Dân Vận Trung ương Triệu Tài Vinh
Trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ VHTTDL  nửa nhiệm kỳ qua còn có hai điểm sáng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Nguồn thu từ công nghiệp văn hoá ngày càng nhiều, khẳng định rõ nét tiềm năng của công nghiệp văn hoá trong bức tranh phát triển kinh tế chung của đất nước. Có thể thấy ví dụ từ hai đêm nhạc Blackpink vừa qua. Kinh tế thể thao cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Nửa nhiệm kỳ còn lại, chúng ta cần tiếp tục quan tâm, định hướng, đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực này.
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã nêu rõ những điểm sáng, đồng thời cũng nêu những khó khăn, hạn chế, từ đó để toàn ngành cùng tìm giải pháp khắc phục. Quá trình thể chế hoá pháp luật trong một số lĩnh vực hiện còn một số vướng mắc, cần nhìn nhận và đánh giá. Chẳng hạn trong lĩnh vực quản lý di sản, có thể cân nhắc quan điểm người dân phải sống được từ di sản, phải có những công trình tạo thay đổi cuộc sống của người  dân, tạo ra những giá trị mới. Trong vấn đề bảo vệ bản sắc văn hoá, nhiều trường hợp cần chú ý mối quan hệ với các yếu tố khác. Chẳng hạn như ở vùng đồng bào các dân tộc thì bản sắc văn hoá cần chú trọng mối quan hệ với các vấn đề về tâm linh, tín ngưỡng. Bên cạnh đó là sự giao thoa giữa các vùng miền, giao lưu trong quá trình hội nhập… Cần có quy hoạch phân cấp và bảo tồn các lễ hội, di sản văn hoá, nếu không sẽ đến lúc chúng ta sẽ không còn được thấy những ngôi làng của người Giáy, Lô Lô, La Chí nữa …
Theo Báo Văn hóa

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây