Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minhhttps://ush.edu.vn/uploads/logo-dh.png
Thứ tư - 12/07/2023 05:09
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện". Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã tới dự và chỉ đạo Hội thảo.
Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số ngành thư viện trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra, ngành thư viện sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện, xây dựng và phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có thư viện và chuyển đổi số thư viện phát triển mạnh, bên cạnh đó phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật thư viện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, trong đó có các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến bản quyền và sở hữu trí tuệ, nhất là khi ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Việc thông qua và triển khai trong thực tiễn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình chuyển đổi số ngành thư viện khi mà hầu hết các hoạt động chuyển đổi số thư viện đều có liên quan đến việc thực thi các quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ mới ban hành. Nhưng đồng thời Luật mới ra đời cũng sẽ là động lực và tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới cho ngành thư viện, giúp nâng cao vị thế, giá trị xã hội của ngành thư viện khi chúng ta có lợi thế về việc lưu giữ, bảo quản và phục vụ một khối lượng tri thức thành văn lớn, trong đó có những tài liệu mà ngành thư viện chính là một trong những người giữ bản quyền khai thác, phục vụ người dân và xã hội".
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện trình bày Báo cáo đề dẫn. Theo đó, để đảm bảo thực thi bản quyền trong hoạt động chuyển đổi số thư viện, các thư viện phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trên các phương diện: Thứ nhất, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là những lĩnh vực khó và phức tạp, không chỉ với thư viện nói riêng mà còn đối với toàn xã hội nói chung; Thứ hai, vấn đề bản quyền trong quá trình chuyển đổi số thư viện cũng rất phức tạp; Thứ ba, thực thi quyền sao chép khó do khó xác định chủ thể nắm giữ quyền tác giả; Thứ tư, chưa có biện pháp xử lý triệt để để đảm bảo việc tài nguyên thông tin số khi đưa ra phục vụ; Thứ năm, các thư viện trong quá trình thực hiện mới tìm hiểu và tập trung đối với các trường hợp ngoại lệ được quy định riêng cho thư viện tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ mà chưa có cái nhìn tổng quan toàn bộ vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ để hiểu đúng, hiểu đủ, nhận diện được các hành vi vi phạm để áp dụng và tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ hiệu quả. Từ những thực tiễn hoạt động của thư viện, những cơ hội có được từ việc sửa đổi, bổ sung các quy định ngoại lệ về quyền tác giả trong thư viện đến những thách thức đặt ra trong tổ chức thực hiện của thư viện cho thấy tuy các quy định mới đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện nhất định nhưng vẫn còn tồn tại những rào cản có tính chất then chốt để quá trình chuyển đổi số được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên thực tế.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo và người làm công tác thư viện đã cùng thảo luận, trao đổi nhằm làm rõ các nội dung: Phát huy giá trị và lợi thế của những điểm mới trong pháp luật về quyền tác giả tại Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đối với hoạt động chuyển đổi số ngành thư viện nói chung, phát triển tài nguyên số nói riêng; Kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong thực thi quyền tác giả và về vận dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong quá trình chuyển đổi số thư viện; chia sẻ các mô hình và cách làm hay, hiệu quả trên thực tế; Giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số thư viện; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tài nguyên thông tin dạng số và liên thông thư viện; Chia sẻ, liên thông thư viện với các nước và tổ chức hội nghề nghiệp về thư viện quốc tế; các nguồn lực bảo đảm cho việc thực thi; Nhận diện các hành vi vi phạm quyền tác giả trong hoạt động thư viện, giải pháp khắc phục; Vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện phục vụ người khuyết tật …
Thông qua các ý kiến trao đổi và tham luận, Hội thảo sẽ góp phần giúp các nhà quản lý từ thực tiễn hoạt động để sửa đổi, bổ sung các quy định ngoại lệ về quyền tác giả trong thư viện, khắc phục những thách thức đặt ra trong tổ chức thực hiện, từ đó giúp cho quá trình chuyển đổi số ngành thư viện được tổ chức thực hiện có hiệu quả./.