Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minhhttps://ush.edu.vn/uploads/logo-dh.png
Thứ tư - 28/06/2023 06:21
Không một ngày ngơi nghỉ, sau SEA Games 32, thể thao Việt Nam đã tích cực bắt tay vào chuẩn bị cho Đại hội Thể thao lớn nhất châu Á - Asian Games 19, tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ 23/9 - 8/10.
Đây là Đại hội có sự tham gia tranh tài của VĐV đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á và là kỳ Đại hội dự báo sẽ rất gay cấn, quyết liệt giữa các VĐV mạnh nhất. Chào đón bạn bè bằng vòng tay nồng ấm Lẽ ra được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần và năm 2022 chính là quãng thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến cho Đại hội phải dời thời gian tổ chức sang năm nay nhưng tên gọi vẫn gắn với thời gian tổ chức như thông lệ, là Asian Games 2022. Hàng Châu là thành phố thứ 3 của Trung Quốc được đăng cai sự kiện đáng tự hào nhất của thể thao châu lục này. Ở lần tổ chức thứ 3 này Hàng Châu cũng được kỳ vọng sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng VĐV, HLV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biểu tượng của Đại hội được lựa chọn là hình ảnh tượng trưng cho những cơn thuỷ triều dâng cao, được thiết kế giống hình chiếc quạt, có ý nghĩa phản ánh sự thành công của chủ nghĩa xã hội đặc sắc tại Trung Quốc, đang tạo động lực trong thời đại mới và thể hiện cho sự thống nhất, đoàn kết và phát triển của các thành viên trong Hội đồng Olympic châu Á. Ngay trong lời nói đầu tại điều lệ của Đại hội gửi tới các quốc gia, ban tổ chức Đại hội cho biết, Hàng Châu sẽ chào đón bạn bè châu lục bằng vòng tay rộng mở, nồng hậu và nhiệt tình. Vì thế khẩu hiệu của Đại hội chính là “Heart to Heart, @ Future” (tạm dịch: Từ trái tim đến trái tim, cùng hướng đến tương lai trong môi trường internet). Đây là khẩu hiệu được lựa chọn vì thể hiện mong muốn được đón bạn bè châu lục bằng những tình cảm nồng ấm và phù hợp với thế mạnh là thành phố internet của Hàng Châu. Khẩu hiệu cũng thể hiện thông điệp VĐV đến từ các quốc gia trong châu lục có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nhau qua Asian Games 2022. Đại hội thể thao châu Á được tổ chức để tôn vinh sự đoàn kết, tiến bộ, hài hoà và thịnh vượng chung của các thành viên trong gia đình Hội đồng Olympic châu Á và tiếp lửa để các VĐV, đại diện cho tuổi trẻ châu lục hãy tự tin, lạc quan, không nản lòng trước những khó khăn, thách thức. Khẩu hiệu này cũng phù hợp với phương châm của Olympic “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - cùng nhau” để cùng tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới. Linh vật của Đại hội sẽ là 3 siêu anh hùng người máy đáng yêu có tên là Congcong, Lianlian và Chenchen. Tập trung toàn lực Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, không phải đến tận bây giờ, thể thao Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho Asian Games 19 cũng như các Đại hội thể thao lớn khác từ hàng chục năm nay. Bởi về mặt lực lượng để có VĐV có khả năng cạnh tranh HCV Asian Games chúng ta sẽ phải trải qua một chu trình đào tạo, chuẩn bị, ít nhất là vài kỳ Đại hội. Về lực lượng, thể thao Việt Nam đã gửi danh sách đăng ký sơ bộ tới BTC, tham gia 32 môn và đã xác định một số môn trọng điểm có khả năng cạnh tranh huy chương tại Đại hội lần này. Đây cũng được xác định là giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho Đại hội vì thế công tác huấn luyện phải tập trung để làm sao đảm bảo cho các VĐV có được trạng thái tốt nhất, đạt được điểm rơi phong độ tại Asian Games 19. Asian Games là kỳ Đại hội đầy khó khăn do khoảng cách giữa thể thao Việt Nam và thể thao châu lục còn khá xa; lực lượng của chúng ta vừa thiếu, vừa mỏng; các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu tại Đại hội thể thao tầm cỡ châu lục còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử như sân tập điền kinh ở Nhổn đã xây dựng cách đây hơn 20 năm đến nay đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện cho các VĐV tập luyện. Vì thế giải pháp được đặt ra là các VĐV trọng điểm cho Asian Games sẽ đi tập huấn tại nước ngoài. Hiện đội tuyển điền kinh tập huấn tại Trung tâm gồm 42 VĐV và 8 HLV trong đó có 9 VĐV trọng điểm chuẩn bị cho Asian Games 19. Theo kế hoạch, ngày 1/7 đội sẽ sang Thái Lan tập huấn và tham dự Giải vô địch Điền kinh châu Á từ ngày 10-17/7. Sau đó đội sẽ về nước tập huấn dã ngoại, đến tháng 9, đội sẽ sang Thượng Hải (Trung Quốc) tập huấn và sau đó di chuyển sang Hàng Châu, tham dự Asian Games 19. Ở kỳ Đại hội 5 năm về trước, Điền kinh Việt Nam đã có tới 2 tấm HCV quý giá của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) và Quách Thị Lan (400m rào). Đây vẫn được xem là đội tuyển chủ lực chuẩn bị cho Asian Games. Hay như đội tuyển bắn súng, do quy định quản lý vũ khí nên đội tuyển thường xuyên thiếu đạn tập. Không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, thể thao Việt Nam còn thiếu đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên phục vụ cho các VĐV. “Tất cả những vấn đề này phải tính toán và khắc phục sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta để VĐV vẫn có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội”, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Chuẩn bị tốt nhất cho các đội tuyển
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương vừa có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị của các đội tuyển chủ chốt đang tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Tại đây Thứ trưởng chỉ đạo Tổng cục TDTT tập trung chuẩn bị tốt nhất cho các đội tuyển chuẩn bị tham dự Asian Games, từ chế độ ăn, dinh dưỡng, y tế, phục hồi, cử thêm các bác sĩ chăm sóc cho các VĐV trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội. Thứ trưởng nhấn mạnh, Đại hội thể thao châu lục không chỉ là nơi mà các VĐV hàng đầu châu lục tranh tài mà cũng sẽ có sự tham gia của nhiều nhà vô địch thế giới, vô địch Olympic. Đây cũng là kỳ Đại hội mà các VĐV mạnh thuộc các cường quốc về thể thao của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran… tranh tài quyết liệt. Chia sẻ với các VĐV về những khó khăn khi tập luyện, Thứ trưởng mong muốn các VĐV nỗ lực vượt qua chính mình thi đấu đạt thành tích cao nhất. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các đội tuyển chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất châu lục.