Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minh

Kỳ vọng những chuyển biến tích cực và toàn diện cho ngành thể thao

Thứ ba - 12/11/2024 02:53

Sáng 12/11, tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp" đến năm 2045.
 

1 1
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Bộ VHTTDL đã giao Cục TDTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược, đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận vào 3 vấn đề chính. Cụ thể, căn cứ vào mục tiêu, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao tại Chiến lược, các đại biểu cần tập trung thảo luận, làm rõ các sáng kiến, đề xuất các biện pháp, giải pháp, cách thức tổ chức, lộ trình triển khai thực hiện Chiến lược sao cho hiệu quả.

Tiếp theo, để Kế hoạch hành động được xây dựng, hoàn thiện một cách khoa học, khả thi, các đại biểu thảo luận cho ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch triển khai, trong đó tập trung vào các nội dung các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch đã đủ so với Chiến lược chưa? Dự kiến phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp đã phù hợp chưa? Dự kiến sản phẩm đạt được có khả thi không? Đây chính là sản phẩm đầu ra của Chiến lược và lộ trình triển khai cho từng đầu công việc.
 

2
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt báo cáo tóm tắt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Và cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận, hiến kế, đề xuất các giải pháp, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các Hội thể thao quốc gia và các cơ quan liên quan trong việc triển khai Chiến lược nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đã đề ra trong Chiến lược.

"Việc thực hiện Chiến lược này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Thành công của chiến lược này không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm cao và sự đồng lòng của cả nước, chúng ta sẽ biến những mục tiêu đề ra trong Chiến lược thành hiện thực, đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh" – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Báo cáo tóm tắt Chiến lược tại Hội nghị, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp với 5 quan điểm, 6 mục tiêu, 9 nhiệm vụ.

Thông qua các ý kiến của các ban ngành, địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức… sẽ đưa ra được các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu chung là Xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

Đi sâu vào những vấn đề thực tiễn

Tại Hội nghị, đại diện các Ban, ngành, địa phương, Hiệp hội, Liên đoàn, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đã đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng với công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

3
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tham luận tại Hội nghị

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, trong đó đã có những quy định tháo gỡ những vướng mắc về quản lý tải sản công và có quy định cụ thể ở điều 21 về việc phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó có quy định cụ thể về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng VĐV, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp... đã tạo cơ sở pháp lý cho thể thao Thủ đô phát triển. Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong đó có lĩnh vực thể thao ra sao. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngoài kế hoạch dài hơi, hàng năm Thành phố đều xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó mỗi năm tổ chức hơn 1.000 sự kiện thể thao uy tín góp phần quảng bá tích cực hình ảnh của Thủ đô….

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân nhận định, phân tích sơ bộ cho thấy đề án phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, và công nghệ. Để đề án thành công, cần sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều bộ, ban ngành cũng như các doanh nghiệp, cộng đồng, và các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp nguồn lực, phát triển công nghệ và đồng đều hóa cơ hội thể thao trên cả nước.

Trong thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn hiện nay về đầu tư vận động viên từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa. Bên cạnh 4 trung tâm huấn luyện quốc gia đang làm nhiệm vụ quản lý, đào tạo các tuyển quốc gia, do vậy cần quy hoạch cho một số tỉnh, thành, ngành (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Công an, Quân đội….) có thế mạnh hình thành các trung tâm huấn luyện tầm cỡ quốc gia để chia sẻ gánh nặng về đào tạo cho trung ương.

Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược bảo trì và đầu tư dài hạn cho các cơ sở thể thao trọng điểm và thiết lập cơ chế hợp tác công - tư để tận dụng nguồn lực xã hội trong việc xây dựng, duy trì cơ sở hạ tầng thể thao. Đồng thời, xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp thể thao, cải cách về thuế đất thể thao, giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao và khuyến khích các hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ thể thao, gắn liền hoạt động du lịch thể thao cùng các sự kiện thể thao.
 

4
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nêu ra 3 vấn đề của ngành thể thao cần giải quyết

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, có 3 vấn đề cần giải quyết. Trong đó, vấn đề đầu tiên là hệ thống đào tạo VĐV. Đây là điều quan trọng cần thực hiện. Ngành TDTT cần có sự liên thông trong việc đào tạo VĐV từ Đại hội Thể thao toàn quốc tới SEA Games, ASIAD và Olympic. Như vậy, chương trình thi đấu từ cấp Đại hội Thể thao cần được điều chỉnh một cách thiết thực, trở thành nét mở đầu cho Chiến lược.

Tiếp theo, cần cải thiện, nâng cao chất lượng huấn luyện của các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia. Dần dần tiến tới nâng cao chất lượng của các Trung tâm địa phương. Và cuối cùng là phát huy vài trò của địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội. Ngành TDTT cần tạo ra sự kết hợp chặt chẽ, ủy nhiệm những nhiệm vụ cụ thể với các đơn vị này.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú cho biết, khi nghiên cứu yêu cầu nhiệm vụ đối với Bóng đá Việt Nam được nêu trong Chiến lược mới ban hành, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ý thức được rõ ràng vai trò trách nhiệm của mình, đồng thời nghiên cứu kỹ nội dung của 9 giải pháp chủ yếu trong Chiến lược, chúng tôi khẳng định quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ được giao, qua đó cũng nêu một số nhiệm vụ cần phối hợp triển khai và một số giải pháp chính để thực hiện ngay gồm 5 nhiệm vụ phối hợp tập trung vào các vấn đề tham mưu, bố trí ngân sách và triển khai một số đề án Bóng đá đào tạo trẻ, quan hệ quốc tế… cùng 8 giải pháp cần tập trung thực hiện trong lĩnh vực Bóng đá.

Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung vào 4 nhiệm vụ quan trọng gồm Xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và AISAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong năm 2025, theo tinh thần của Đề án gồm 16 môn: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Bắn cung, Taekwondo, Đấu kiếm, Boxing, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Judo, Karate, Wushu, Cầu lông, Cầu mây và Đua thuyền… Đưa ra giải pháp với các vấn đề như quy hoạch Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; xã hội hóa thể thao thành tích cao và tổ chức giải đấu quốc tế lớn tại Việt Nam.

Góp ý về chiến lược này, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2 (Cục TDTT) Ngô Ích Quân cho biết, trong công tác triển khai Chiến lược Phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, về vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị là rất quan trọng. Trong đó, 5 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung vào các vấn đề tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa thể dục thể thao, triển khai hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào công tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên thể thao.

Kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực và toàn diện

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc tham mưu, trình các cấp ban hành Chiến lược, đưa ra những giải pháp, lộ trình rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và đã kịp thời tham mưu, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Chiến lược.
 

5 2
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì Hội nghị

Thứ trưởng bày tỏ kỳ vọng, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mang lại những chuyển biến tích cực và toàn diện cho ngành thể thao nước nhà.

Để hiện thực hóa các nội dung Chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đồng hành cùng ngành TDTT, tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong toàn ngành nhằm tạo thống nhất về nhận thức; hành động và hiệu quả trong thực hiện Chiến lược.

Trên cơ sở Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược. Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Chiến lược; vừa bảo đảm Chiến lược được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.

Các đơn vị có liên quan chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; đồng thời đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao.

Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu TDTT. Tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao. Đồng thời, nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển TDTT theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt; Triển khai xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức, thực hiện hiệu quả Chiến lược.

Thứ trưởng giao Cục TDTT khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Kế hoạch của Bộ triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Việc triển khai Chiến lược hôm nay mới là bước khởi đầu. Song, chặng đường thực hiện là rất dài, với mục tiêu rất lớn. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Tôi kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, cùng đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, báo đài liên quan trong quá trình triển khai thực hiện" – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Bạch Dương
Nguồn:bvhttdl.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây