Trường Đại học Thể dục thể thao Tp Hồ Chí Minh

Đoàn kết phải gắn liền với dân chủ và đoàn kết trong Đảng, trong dân, đoàn kết quốc tế

Thứ sáu - 15/12/2023 03:22
(ĐCSVN) - Ngày 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trình bày chuyên đề về Nghị quyết số 43-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
1 3
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.  
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định có 3 lý do rất quan trọng để Trung ương ban hành nghị quyết 43-NQ/TW. Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, cách đây 20 năm, năm 2003, trong bối cảnh ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhiều vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài...
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã hoàn thành mục tiêu cơ bản, giải pháp mà nghị quyết đã đề ra. Theo Chủ tịch nước, vấn đề phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề xuyên suốt, lâu dài nên phải có nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cho vấn đề này trong tình hình mới.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2003, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại được thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vai trò của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 23, Trung ương đánh giá còn một số hạn chế, khuyết điểm và một số bài học. Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong Nhân dân. Một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phân hoá giàu - nghèo và chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn. Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi chưa được bảo đảm. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch nước phân tích những hạn chế, nguy cơ như hiện tượng “đoàn kết mà không dân chủ thì là đoàn kết "xuôi chiều"...
2 1
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng.
Chủ tịch nước cũng cho biết, thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước đã có nhiều thay đổi. Do đó, cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới.
Về nội dung của Nghị quyết 43, Chủ tịch nước cho biết có 4 quan điểm được Đảng tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống, trong đó, khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quan điểm thứ nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược, xuyên suốt của Đảng, đây là nguồn sức mạnh to lớn và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Nền tảng quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc chính là liên minh công nhân giai cấp công nhân giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; cùng với đó là quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Thêm vào đó là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa giai tầng xã hội, cộng đồng dân tộc, tôn giáo, người Việt trong nước, ngoài nước và giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới...
Dẫn lại lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, nếu như có đoàn kết trong Đảng thì sẽ có thành công. Nếu có đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân thì sẽ có thành công lớn hơn và nếu có cả đoàn kết trong Đảng, trong dân và đoàn kết quốc tế thì sẽ đạt tới đại đoàn kết, đại thành công lớn hơn.
Như vậy, cách đặt vấn đề của Nghị quyết 43 đã rộng hơn, làm rõ hơn nội hàm của đại đoàn kết dân tộc.
3 1
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng
Quan điểm thứ hai, xác định mục tiêu chung của dân tộc để phát huy truyền thống và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước chia sẻ, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng một cách riêng của mình. Nhưng điểm chung nhất mọi người Việt Nam yêu nước là xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Quan điểm thứ ba, về phương thức để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết, trong Nghị quyết 43 nêu đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 
Quan điểm thứ tư, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, trách nhiệm của Đảng, cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng giữ vai trò quan trọng nhất. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sáng tạo của nhân dân.
Với những giải pháp đề ra trong Nghị quyết, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng tập trung thực hiện thực chất, hiệu quả để sớm hoàn thành mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.../.
 
Nhóm phóng viên
Nguồn: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây